Tổ chức Đo lường Hợp pháp Quốc tế - OIML
organisation international de Métrologie Légale
Internet WebSite: http://www.oiml.org
OIML được thành lập ngày 12/10/1955 tại Paris. Đây là một tổ chức liên chính phủ với mục tiêu chủ yếu là điều hoà và phối hợp trên phạm vi quốc tế những quy định mang tính chất quản lý và kỹ thuật đối với phương tiện đo ở các nước khác nhau nhằm tạo thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hoá và dịch vụ quốc tế.
Hiện nay, đã có 105 nước/thể chế kinh tế tham gia OIML, trong đó có 57 là thành viên chính thức và 48 quan sát viên. Các nội dung hoạt động cụ thể của OIML là:
- Thiết lập trung tâm thông tin và tư liệu về các cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm về kiểm định và giám sát phương tiện đo, xem xét thiết kế, chế tạo và sử dụng phương tiện đo;
- Xây dựng các nguyên tắc chung về đo lường hợp pháp;
- Nghiên cứu để thống nhất các phương pháp và quy định về những vấn đề về đo lường hợp pháp mà quốc tế quan tâm;
- Xây dựng dự luật và các quy định mẫu về phương tiện đo và nguyên tắc sử dụng;
- Xây dựng sơ đồ tổ chức thực hiện mẫu cho cơ quan kiểm định và giám sát phương tiện đo;
- Xác định đặc trưng và mức chất lượng cần thiết phải đạt của các phương tiện đo;
- Tăng cường quan hệ giữa các cơ quan đo lường của các nước thành viên trong các hoạt động hợp pháp.
Cơ cấu tổ chức của OIML bao gồm:
+ Hội nghị quốc tế về đo lường hợp pháp: họp ít nhất 6 năm một lần, ngôn ngữ làm việc chính là tiếng Pháp. Hội nghị đưa ra quyết định trong các phạm vi quan tâm của OIML, thông qua các báo cáo của cơ quan giúp việc, cử lãnh đạo của các cơ quan này, bầu chủ tịch và phó chủ tịch của OIML với nhiệm kỳ là thời gian giữa hai kỳ hội nghị.
+ Uỷ ban quốc tế về đo lường hợp pháp (CIML): họp thường kỳ hàng năm, bao gồm đại diện của tất cả các nước thành viên. Uỷ ban gồm 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch với nhiệm kỳ 6 năm.
+ Hội đồng Chủ tịch: gồm lãnh đạo của Uỷ ban quốc tế về đo lường hợp pháp và các cơ quan chức năng của OIML. Hội đồng giúp cho CIML theo dõi hoạt động của các ban kỹ thuật, đề xuất việc sửa đổi các khuyến nghị và tài liệu của OIML.
+ Các ban và tiểu ban kỹ thuật: có nhiệm vụ dự thảo và soát xét các khuyến nghị và tài liệu của OIML. OIML hiện có 18 Ban kỹ thuật và 42 tiểu ban kỹ thuật.
+ Các nhóm tư vấn kỹ thuật: có nhiệm vụ xem xét, đánh giá những vấn đề kỹ thuật cụ thể được giao.
+ Văn phòng quốc tế về Đo lường hợp pháp (BIML): hoạt động như một hội đồng thư ký của OIML. Văn phòng có nhiệm vụ thực hiện các công việc hàng ngày, chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Uỷ ban và Hội nghị quốc tế về đo lường hợp pháp, thực hiện các quyết định của hội nghị, phối hợp với các ban kỹ thuật.
+ Hội đồng phát triển: gồm Chủ tịch và các thành viên là đại diện của một số nước thành viên của OIML. Hội đồng có nhiệm vụ chuẩn bị các ấn phẩm, tổ chức các khoá đào tạo, huấn luyện cho các nước đang phát triển.
OIML xuất bản và ban hành các ấn phẩm sau đây (số liệu đến tháng 10/2000) :
Tạp chí OIML (OIML Bulletin): ra hàng quý;
Khuyến nghị Quốc tế (International Recommendations - R): 129;
Tài liệu Quốc tế (International Documents - D): 26;
Từ vựng (Vocabularies - V): 3;
Các tài liệu hướng dẫn chung (Miscellaneous Publications - P): 17.
Việt Nam đã tham gia OIML với tư cách thành viên thông tấn từ năm 1994.
Tác giả: Hoa Sen Vàng
Nguồn tin: OIML(VN) international standard news
Ý kiến bạn đọc