Hiện trạng hoạt động quản lý đo lường:
Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản kỹ thuật về đo lường
Thời gian qua, chúng ta đã xây dựng và hình thành tương đối đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lường bao gồm Pháp lệnh Đo lường sửa đổi năm 1999, 2 Nghị định và 12 văn bản do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Song hành với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua chúng ta cũng đã xây dựng nên được một hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) khá đầy đủ để thực thi các công việc cụ thể như thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và chuẩn đo lường nhằm từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo công bằng xã hội liên quan đến đo lường. Cho đến hôm nay, chúng ta đã có 160 ĐLVN được ban hành, đảm bảo hầu hết các phương tiện đo trong danh mục phải kiểm định đều đã có quy trình kiểm định tương ứng và dần phù hợp với các khuyến nghị, tiêu chuẩn quốc tế. Đây thực sự là một thành tựu của việc nghiên cứu ứng dụng đưa các kết quả nghiên cứu khoa học của thế giới vào phục vụ công tác đo lường ở nước ta.
Về hệ thống chuẩn đo lường
Căn cứ nhu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế xã hội cũng nhu yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đo lường giai đoạn mới, ngày 21/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành các Quyết định số 165 và 166/2004/QĐ-TTg về "quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia giai đoạn 2004-2010" và "quy chế phê duyệt chuẩn đo lường quốc gia". Triển khai các Quyết định này, đến nay, 10 chuẩn đo lường quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây vừa là cơ sở kỹ thuật, vừa là cơ sở pháp lý để thực hiện thống nhất đo lường trong cả nước.
Về hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo
Theo Danh mục phương tiện đo phải kiểm định nhà ưnớc ban hành kèm theo Quyết định số 65/2002/BKHCNMT của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), phương tiện đo gồm 46 chủng loại thuộc 8 lĩnh vực đo: độ dài, khối lượng, dung tích-lưu lượng, áp suất, nhiệt độ, hoá lý, điện-điện từ và bức xạ, trong đó nhiều nhất là các phương tiện đo thuộc lĩnh vực đo khối lượng, dung tích-lưu lượng và điện-điện từ. Để thực hiện việc quản lý và kiểm định các phương tiện đo này, chúng ta đã xây dựng được hệ thống hơn 200 tổ chức kiểm định phương tiện đo từ trung ương đến các Bộ, ngành, địa phương và đang dần xây dựng, phát triển các tổ chức kiểm định cấp huyện.
Hệ thống kiểm định này hàng năm thực hiện kiểm định trên 3 triệu phương tiện đo thuộc trong danh mục phải kiểm định, trải rộng trên mọi miền của đất nước, từ miền núi đến miền xuôi trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế: thương mại, sản xuất, an ninh quốc phòng, y tế, môi trường nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Hệ thống các phòng hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường tuy còn chưa mạnh cả về số lượng lẫn năng lực nhưng cũng đã thực hiện việc hiệu chuẩn phương tiện đo phục vụ yêu cầu đảm bảo liên kết chuẩn đo lờng của các ngành công nghiệp; thử nghiệm phục vụ phê duyệt mẫu phương tiện đo và các yêu cầu khác của hoạt động quản lý đo lường.
Tuy nhiên, với cơ chế công nhận và uỷ quyền trước đây việc phát triển hệ thống các tổ chức kiểm định còn nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê của Tổng cục đến tháng 6/2006, với hệ thống các tổ chức kiểm định hiện tại mới chỉ kiểm định được xấp xỉ 50% số lượng phương tiện đo phải kiểm định.
Về hoạt động sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo
Pháp lệnh đo lường 1990 và 1999 đều khẳng định: Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo và đã thiết lập một hệ thống quy định khá thông thoáng để quản lý lĩnh vực này nhằm tạo thuận lợi cho nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo.
Mặc dù còn nhiều hạn chế về năng lực kỹ thuật và trình độ công nghệ, cho đến thời điểm hiện tại đã có 283 mẫu phương tiện đo sản xuất, lắp ráp của khoảng 150 cơ sở sản xuất trong nước và hơn 290 mẫu phương tiện đo nhập khẩu của khoảng 200 cơ sở nhập khẩu đã được phê duyệt, tập trung chủ yếu vào các loại phương tiện đo thông dụng, có nhu cầu lớn. Những số liệu này cho thấy ngành công nghiệp sản xuất phương tiện đo nước ta thời gian qua tuy đã có phát triển, song cần được đẩy mạnh hơn.