Ngày 14/10/1999, tại Pari đại diện của 38 Viện đo lường quốc gia trên thế giới và 2 tổ chức quốc tế liên quan đến đo lường đã ký kết Thoả thuận công nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường – CIPM MRA (sau đây gọi tắt là Thoả thuận). Bản thoả thuận này do Uỷ ban quốc tế về Cân và Đo (CIPM) đề xuất và soạn thảo. Mục đích chính của Thoả thuận là:
- Thiết lập mức tương đương của các chuẩn đo lường quốc gia do các Viện đo lường quốc gia duy trì và khai thác;
- Công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận hiệu chuẩn và đo lường do các Viện Đo lường quốc gia phát hành.
Thoả thuận này đưa ra tiêu chuẩn cho việc công nhận lẫn nhau và yêu cầu các Bên tham gia thoả thuận phải đáp ứng: (a) Kết quả của các so sánh chủ chốt do các Bên tham gia tiến hành có sử dụng quy trình được chỉ định; (b) Các Bên tham gia có áp dụng các phương pháp thích hợp để đảm bảo chất lượng công việc của mình; (c) Có kết quả tốt trong các so sánh bổ sung thích hợp. Nội dung chính của Thoả thuận bao gồm hai phần: về các chuẩn đo lường quốc gia và về các giấy chứng nhận hiệu chuẩn và đo lường.
Do tính chất đặc trưng của các chuẩn đo lường - là loại thiết bị, hàng hoá có tính chất đặc biệt, giá thành thường rất cao và đòi hỏi rất chặt chẽ về quản lý, duy trì, khai thác...Thoả thuận được xem là một giải pháp hữu hiệu đối với yêu cầu cần có điều phối tập trung trong việc tạo ra "Hệ thống đo lường quốc tế";
Thông qua Thoả thuận, các Viện Đo lường quốc gia cùng tạo ra sự công nhận lẫn nhau và tạo nên sự chấp nhận đa phương các chuẩn đo lường quốc gia cùng với các khả năng đo, hiệu chuẩn, thay thế hệ thống công nhận khu vực hoặc song phương trước đây. Có nghĩa là, chuẩn đo lường quốc gia và khả năng đo, hiệu chuẩn của các Viện Đo lường quốc gia được công nhận với số lượng nhiều bên tham gia hơn.
Đối với một Viện Đo lường quốc gia, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nó là thiết lập, duy trì và khai thác các chuẩn đo lường quốc gia (và cùng với các chuẩn đó là các khả năng đo, hiệu chuẩn). Các chuẩn đo lường quốc gia tạo ra các giá trị đại lượng chuẩn gốc cho tất cả các hoạt động cần có sự dẫn xuất đến giá trị đại lượng chuẩn trong phạm vi quốc gia đó.
Trước khi các nước ký Thoả thuận (tháng 10/1999), sự công nhận lẫn nhau của các Viện Đo lường quốc gia chỉ giới hạn trong phạm vi các tổ chức đo lường khu vực hoặc các quan hệ riêng rẽ giữa các Viện Đo lường quốc gia với nhau.
Như vậy, Thoả thuận công nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường thực sự tạo ra hệ thống các phương thức để các Viện Đo lường quốc gia có thể công nhận đa phương trên toàn cầu, phục vụ lợi ích chung của các Viện Đo lường và của các quốc gia đó, tránh xảy ra ứng xử mang tính cơ hội, cạnh tranh trên cơ sở sử dụng các chuẩn đo lường như một công cụ cạnh tranh của một Viện Đo lường quốc gia này đối với các Viện Đo lường quốc gia khác hay của một quốc gia này đối với một quốc gia khác.