Kiểm soát xe quá tải vẫn rối ren và nhiều vấn đề phát sinh

Thứ hai - 13/10/2014 09:26 3117 0
Đã qua nhiều tháng với việc chỉ đạo lực lượng chức năng bố trí các tổ công tác chuyên trách xử lý xe quá tải và hạn chế xe chở quá tải đến nay mọi việc vẫn rối ren và nhiều vấn đề phát sinh chưa xử lý tận gốc tình trạng xe quá tải
Kiểm soát xe quá tải vẫn rối ren và nhiều vấn đề phát sinh
Lãnh đạo các tỉnh thành đã tổ chức hàng loạt cuộc họp với đầy đủ ban ngành và chỉ đạo lực lượng chức năng bố trí các tổ công tác chuyên trách xử lý xe quá tải… Thế nhưng những gì đang diễn ra trên thực tế khiến dư luận hoài nghi về tính hiệu quả của những chỉ đạo này và liệu các địa phương có hay không biện pháp triệt để xử lý tình trạng xe quá tải cày nát đường xá tại Việt Nam. Sau đây là phần trích dẫn từ nhiều nguồn báo chí tổng hợp bởi Hoa sen vàng cho thấy rất nhiều bất cập trong việc hạn chế xe tải và xe quá tải cụng như "phương pháp" lách luật hiện nay của nhiều cánh lái xe....

Dù các cảng biển ở TP Hồ Chí Minh đã ký cam kết với Bộ GTVT là không để xe quá tải ra khỏi cảng, nhưng nhiều khi cũng bất lực trước chiêu trò đối phó của tài xế xe quá tải như các trường hợp dưới đây.

Chở quá tải 6 tấn vẫn lọt ra khỏi cảng


Khoảng 15h ngày 25/9, tại cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, xe tải BKS 51C-315.94 đã xếp đầy lúa mì. Trước khi ra khỏi cảng, xe lên bàn cân số 2 trong cảng cân tải trọng. Bảng điện tử bàn cân cho thấy trọng lượng toàn bộ cả xe và hàng là 33,5 tấn, trong đó tự trọng xe là 14,4 tấn, còn lại hơn 19 tấn hàng hóa. Kiểm tra sổ đăng kiểm, xe được chở 18 tấn hàng nên nhân viên kiểm hàng ở cảng cho xe này ra cổng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, sổ đăng kiểm này đã hết hạn từ ngày 4/9/2014. PV liên hệ nhờ Cục Đăng kiểm VN kiểm tra thông tin trên hệ thống của Cục thì được biết, chiếc xe này đăng kiểm gần đây nhất là ngày 17/9/2014, trọng lượng hàng cho phép chở chỉ là 13,8 tấn. Như vậy, xe 51C-315.94 chở quá tải 6 tấn hàng và vẫn lọt qua các khâu kiểm tra của nhân viên cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

Trước đó, khoảng 14h10 xe tải BKS 54N-0146 xếp 300 bao phân hóa học, mỗi bao 50 kg, tổng cộng xe chở 15 tấn hàng. Tài xế đưa sổ kiểm định được đăng kiểm ngày 9/6/2014, thời hạn hết hiệu lực ngày 8/12/2014 cho phép xe chở 15 tấn hàng, đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm 5007V. Liên hệ với Trung tâm Đăng kiểm 5007V thì lãnh đạo Trung tâm này cho biết chiếc xe này hết thời hạn đăng kiểm và đã đi đăng kiểm lại tại Trung tâm Đăng kiểm 5006V.

Làm việc với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 5006V cho biết, xe 54N-0146 đăng kiểm gần nhất là ngày 16/9/2014, thời hạn hết hiệu lực là ngày 15/12/2014. Tại thời điểm đăng kiểm, trọng lượng hàng xe được chở chỉ còn 11 tấn chứ không phải 15 tấn như trước.

“Vậy tại sao cùng một lúc có hai giấy kiểm định cho xe 54N-0146?”. Ông Hùng khẳng định là tài xế hoặc chủ xe này đã sửa ngày hết hạn đăng kiểm để qua mặt những kiểm soát viên của các cảng biển. “Giấy đăng kiểm mà xe này nộp cho cảng là giấy cũ. Chủ xe đã cạo ngày hết hạn đăng kiểm là 8/9/2014 thành ngày 8/12/2014 để ăn gian thêm 6 tháng và tăng thêm 4 tấn hàng. Xe này sản xuất năm 1990 thì chỉ có thời hạn kiểm định 3 tháng chứ không thể đến 6 tháng được”, ông Hùng nói.

Cũng trong ngày 25/9, nhiều xe tải có hiện tượng chở hàng quá tải trọng so với hồ sơ đăng kiểm thật nhưng bị làm giả vẫn lọt ra khỏi cảng. Cụ thể, xe 72N-4302 theo dữ liệu đăng kiểm chỉ cho chở 11 tấn nhưng giấy đăng kiểm trình lên cảng đến 18 tấn; Xe 60C-156.14 dữ liệu đăng kiểm cho phép chở 14,2 tấn nhưng giấy đăng kiểm giả qua mặt cảng chở 18,72 tấn; Xe 54S-0778 cho phép chở 15 tấn nhưng cũng làm giả để chở 19,7 tấn.


Cảng cũng chịu thua(?!)


Khi được hỏi về tình trạng xe chở quá tải vẫn lọt ra khỏi cảng, ông Lê Văn Hóa - Phó Giám đốc cảng Nhà Rồng - Khánh Hội cho biết, do cảng chủ yếu bốc hàng rời nên phải qua cân ở trong cảng để cân tải trọng xe sau khi đã xếp hàng. Cán bộ của cảng dựa vào sổ đăng kiểm để cho phép xe chở hàng ra khỏi cảng. Nếu xe chở hàng vượt tải trọng cho phép theo sổ đăng kiểm sẽ yêu cầu tài xế dỡ hàng xuống.

xe-qua-tai-trong-xe-vuot-tai-hoasenvang-2

Theo ông Võ Hoàng Giang, Phó Tổng giám đốc cảng Sài Gòn, trong hệ thống cảng Sài Gòn mà cụ thể ở cảng Tân Thuận 2 đã có trường hợp nhân viên giao nhận móc nối với chủ hàng xếp hàng quá tải. Xe 51C-305.18 chỉ cho phép chở 30 tấn nhưng đã xếp 60 tấn hàng. Nhân viên này sau đó đã bị kỷ luật, trừ lương.

Hiện tại mỗi cảng ở khu vực TP Hồ Chí Minh đưa ra một quy trình kiểm soát tải trọng xe ra cảng khác nhau. Ông Phan Trọng Lâm, Phó Tổng giám đốc cảng VICT cho biết, cảng phải xây dựng một phần mềm quản lý tải trọng xe vào lấy hàng. Khi xe vào cổng, nhân viên sẽ lấy sổ đăng kiểm nhập biển số xe, số sơ-mi rơ-moóc và tải trọng cho phép chở hàng của xe vào hệ thống.

Ông Lâm khẳng định, chủ trương của Bộ GTVT trong việc kiểm soát tải trọng ngay ở cảng là hoàn toàn đúng và các cảng đều chấp hành nghiêm. “Việc tài xế sử dụng đăng kiểm giả, đánh tráo đăng kiểm thì các cảng chịu thua. Quan trọng là sự phối hợp kiểm tra, xử lý trên đường của lực lượng chức năng phải thật nghiêm thì mới dẹp được xe quá tải tận gốc”, ông Lâm nói.


Siết xe quá tải, mất hàng trăm tỷ cũng làm


Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, nhiều doanh nghiệp đang nghe ngóng xem cơ quan Nhà nước có dừng việc siết xe quá tải lại không. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không lùi, không đi ngang, chỉ có siết chặt hơn. Nếu xử lý hàng nghìn xe, mất hàng trăm tỷ cũng phải làm....

Bộ Giao thông Vận tải vừa có buổi đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp vận tải về chính sách quản lý hoạt động vận tải đường bộ. Tại cuộc đối thoại, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, Hải Phòng hiện có khoảng 1.500 xe trong diện được nâng tải trọng trục nhưng thủ tục, thời gian hoán cải một sơmi rơmooc rất lâu, chi phí mỗi xe vào khoảng 50 triệu đồng.

Do vậy, đến cuối tháng 12 năm nay khó có thể xong theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Đáng nói, sơmi rơmooc sau khi được điều chỉnh tải trọng trục theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải cho phép thì vào đăng kiểm tại Hải Phòng đều từ chối.

Ông cũng than phiền về việc nhiều xe sơ mi rơmooc được nhập về có tải trọng thiết kế cao nhưng khi đăng kiểm cho phép lưu hành lại bị rút thấp xuống. Có những xe chở được 31 tấn nhưng chỉ được cho phép chở hơn 21 tấn.

Cùng mối quan tâm, ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải Xuân Trường (Hải Phòng) cho biết, xe sơmi rơmooc công ty nhập về từ năm 2005, chạy gần 10 năm nay với tải trọng 40 tấn. Tuy nhiên, theo Thông tư mới của Bộ Giao  thông Vận tải, các xe này chỉ được cấp phép chở 21-22 tấn.

“Doanh nghiệp phải đi vay tiền ngân hàng để đầu tư phương tiện nhưng về lại không được chạy đúng tải trọng thiết kế. Tại sao cùng là Luật mà mỗi nơi lại áp dụng một kiểu? Không có hướng dẫn, không đăng kiểm được thì xe của chúng tôi mua phải để ở nhà, đắp chiếu, nợ ngân hàng chồng chất lấy gì để trả nợ?,” ông Hải than thở.

Trước thắc mắc của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, công tác siết chặt kiểm soát tải trọng xe vừa qua đã xuất hiện nhiều bất cập. Nhiều xe, nhất là sơmi rơmooc được chế tạo theo đơn đặt hàng và không theo tiêu chuẩn quốc tế nên có tải trọng rất lớn.

Theo ông Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chẳng hạn, xe HOWO do Trung Quốc sản xuất nhưng họ không cho lưu hành ở nước họ mà chỉ mang về Việt Nam mới lưu hành. Nếu theo hồ sơ đăng kiểm, chỉ chở được 6-7 tấn nhưng đã được thay lốp, độn nhíp, cơi thùng để chở được tới  9-10 tấn.

“Đăng kiểm xong, chủ xe cơi nới thùng lên để chở quá tải, tình trạng này rất phổ biến trong thời gian qua. Nếu không cơi nới thùng để chở quá tải thì chỉ dở hơi mới nhập xe này (xe Howo) về, vì chở đúng tải thì lỗ vốn,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.


Không dừng việc kiểm soát tải trọng xe


Tại buổi đối thoại, đại diện Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cũng đề xuất cho phép cho sử dụng xe có tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa theo đúng thiết kế của xe trong phạm vi công trường để bảo đảm hiệu quả kinh doanh.

Đồng tình cho lưu hành trong đường chuyên dùng, được thiết kế, quy hoạch cho xe quá khổ quá tải. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng khẳng định, đã là xe chuyên dùng chỉ được đi đường chuyên dùng còn ra quốc lộ, tỉnh lộ vẫn phải theo quy định chung.

"Một đoàn xe quá tải sẽ làm xuống cấp hạ tầng giao thông rất nhanh. Lẽ ra, đường tốt đi được 10 năm, xe quá tải phá chỉ còn vài năm, thiệt hại không gì bù đắp được", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói.

Ông Thọ cho biết, đã chứng kiến một tuyến đường được đầu tư bằng vốn ADB hơn 20 tỷ đồng nhưng để đầu tư khai thác một mỏ quặng bằng xe HOWO chỉ 3-4 tháng đường tan tành. Hiện nay, nhiều tuyến đường cấp hạng thấp, kết cấu thấp bị tàn phá kinh khủng.


xe-qua-tai-trong-xe-vuot-tai-hoasenvang-3

Đề cập đến vấn đề kiểm soát tải trọng phương tiện, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang nghe ngóng xem cơ quan Nhà nước có dừng việc siết tải trọng phương tiện lại không. Tuy nhiên, tôi khẳng định sẽ không lùi, không đi ngang, chỉ có siết chặt hơn. Nếu xử lý hàng nghìn xe, mất hàng trăm tỷ cũng phải làm, còn hơn mất hàng nghìn tỷ do hư hại cầu đường. Siết chặt tải trọng cũng để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

“Từ khi thực hiện việc siết tải trong đến nay, không có doanh nghiệp nào phản ánh về khó khăn do siết chặt đối với xe quá khổ, quá tải. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp rất ủng hộ. Với quyết tâm như hiện nay, cố gắng sang năm 2015, chúng ta sẽ tạo được một môi trường kinh doanh vận tải khác hoàn toàn, bình đẳng và văn minh hơn,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ tin tưởng.


Kiểm soát xe quá tải đạt kết quả khả quan


Theo báo cáo đánh giá của UBATGT Quốc gia, sau khi triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác kiểm soát tải trọng xe, lượng xe quá tải đã giảm cơ bản, đặc biệt là xe chở hàng đường dài.

UBATGT Quốc gia vừa có báo cáo thống kê số lượng phương tiện quá tải được kiểm tra tại 63 trạm kiểm soát tải trọng xe ở các địa phương trong 6 tháng (từ 1/4-15/9). Trong số 252.109 xe bị kiểm tra, chỉ có 41.143 xe quá tải vi phạm, chiếm hơn 16% tổng số xe.

UBATGT Quốc gia cũng nhận định trước đây, tình trạng xe quá tải đi công khai, phổ biến, thách thức dư luận. Đến nay, còn một số lái xe, chủ xe, chủ hàng vẫn chạy quá tải nhưng phải lén lút, hoạt động vào ban đêm, trốn, né trạm.

Liên quan về xử lý xe cơi nới trái phép kích thước thùng chở hàng, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 9, các đoàn thanh tra thuộc Cục Quản lý Đường bộ I, II, III, IV đã tiến hành kiểm tra 556 doanh nghiệp (DN), dự án của 27 địa phương. Trong đó, đoàn đã kiểm tra 5.694 xe của các DN, phát hiện 775 xe vi phạm kích thước thùng chở hàng, đoàn đã giữ tem kiểm định của 125 xe và xử lý cắt thùng trực tiếp đối với 226 xe. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu lái xe, chủ xe, DN, nhà thầu, Ban quản lý dự án cam kết khắc phục đối với 408 trường hợp và tạm giữ các giấy tờ liên quan đối với 16 trường hợp.

Trong tháng 10 này, các đoàn thanh tra của các Cục sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra tại các địa phương: Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Gia Lai, Tây Ninh, Bình Dương.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu cảng biển ký cam kết không xếp hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép. Đến hết ngày 24/9, đã có 181/211 DN khai thác cảng biển ký cam kết.

Để đảm bảo công tác “siết” tải trọng hiệu quả, UBATGT đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với công an địa phương xử lý nghiêm hành vi vi phạm, lách luật, trốn tránh trạm cân và chống đối lực lượng thực thi công vụ; xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng xã hội “đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ và nghiên cứu bổ sung xây dựng trạm kiểm soát tải trọng cố định vào dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên.

Cùng với sự nỗ lực của Bộ GTVT, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Hải quan không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ô tô chở hàng hóa vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký của xe.


Xử lý tận gốc tình trạng xe quá tải


Qua hơn năm tháng triển khai các biện pháp xử lý xe quá tải, địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến khá tích cực. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt được những kết quả bền vững, các ngành chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm.


Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông thành phố đã phối hợp kiểm tra hơn chín nghìn lượt xe, xử lý 5.200 xe vi phạm quá tải, phạt hơn 20 tỷ đồng; phạt 4.075 chủ xe hơn 18 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 5.200 trường hợp.

Từ con số nêu trên, có thể thấy công tác kiểm tra đã được triển khai quyết liệt và kéo dài hơn những "chiến dịch" trước đây. Lâu nay, dường như các cơ quan chức năng chỉ ra quân ồ ạt trong một thời gian ngắn, sau đó lại để mọi thứ lặp lại như cũ khiến cho rất nhiều doanh nghiệp và tài xế xe tải "lờn luật". Với số lượng lớn lái xe vi phạm, dễ nhận ra rằng các biện pháp kiểm soát xe quá tải hiện vẫn chưa đạt được hiệu quả tối đa và bền vững.
 

xe-qua-tai-trong-xe-vuot-tai-hoasenvang-5


Các biện pháp như đặt trạm cân, xử phạt hành chính... vẫn chỉ là cách xử lý ở "phần ngọn" khi xe đã lưu thông trên đường. Các cơ quan chức năng hiện cũng rất lúng túng trong việc yêu cầu lái xe hạ tải do thiếu mặt bằng, bến bãi. Để "né" trạm cân, từng xuất hiện tình trạng lái xe nằm chờ "thời cơ" để qua trạm gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên một số tuyến đường.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của Tổng Cục đường bộ (Bộ GT-VT), thời gian qua, 29 cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã có những động thái phối hợp, tuân thủ quy định về kiểm soát xe quá tải. Tuy nhiên, không phải ở đơn vị nào cũng triển khai nghiêm túc.

Tại buổi làm việc với đại diện 29 đơn vị cảng biển mới đây ở TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ GT-VT sẽ kết hợp với Bộ Công an và các địa phương thực hiện quyết liệt, triệt để, đồng bộ trong việc kiểm soát tải trọng ở tất cả các cảng, từ cảng lớn đến cảng nhỏ; từ cảng của nhà nước đến các cảng cổ phần, liên doanh để không bỏ lọt bất cứ xe nào quá tải hoạt động trên đường.

Bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt quy định về kiểm soát xe quá tải như Cảng container quốc tế Việt Nam (VICT) với hệ thống tự động quản lý tải trọng phương tiện giao nhận hàng hóa; hệ thống kiểm soát tải trọng xe vào xếp dỡ hàng hóa của Cảng Sài Gòn; quy trình kiểm soát tải trọng xe ở Cảng Bến Nghé..., nhiều đơn vị khác lại "du di" với xe quá tải ra, vào cảng. Thậm chí, đại diện quản lý của một cảng biển còn xin Bộ GT-VT được "đặc cách" không kiểm tra tải trọng trong trường hợp có xảy ra ùn ứ.

Thực tế, hoạt động vận tải hiện nay được các đơn vị vận tải thực hiện từ nhiều đầu mối. Cảng biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp là nơi hàng hóa được lưu thông với số lượng rất lớn. Thời gian qua, các điểm tập kết hàng hóa này chưa được cơ quan chức năng kiểm soát xe quá tải. Theo thống kê, chỉ có khoảng một phần ba trong số hơn 700 triệu tấn hàng hóa lưu thông bằng đường bộ hằng năm trên cả nước, xuất phát từ các cảng. Nghĩa là, một lượng lớn hàng hóa được lưu thông từ các nguồn khác.

Để có thể quản lý nguồn hàng này được vận chuyển đúng tải, Hiệp hội Vận tải hàng hóa cho rằng, các ngành chức năng nên phối hợp với hiệp hội trong việc chống xe chở quá tải. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị trong việc bốc xếp hàng hóa thay vì chỉ quy trách nhiệm cho một mình lái xe như hiện nay.

Hoạt động này cũng cần phải được tiến hành thường xuyên để bảo đảm không sót lọt xe quá tải, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của doanh nghiệp, lái xe nhằm hướng đến mục tiêu chung là bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường.


Theo Chính Phủ / VnMedia / Giao thông vận tải / Nhân Dân

Tác giả: Hoa sen vàng

Nguồn tin: Online news

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

quang cao can dien tu
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây