Đột nhập lò “độ” cân gian (Trinh sát)

Thứ ba - 07/08/2012 16:40 4514 0
Ở TPHCM có nhiều cơ sở “độ” cân gian chuyên nghiệp. Mỗi ngày người tiêu dùng bị móc túi một số lượng lớn giá trị tiêu dùng của mình mà không hề hay biết.
Đột nhập lò “độ” cân gian (Trinh sát)
ĐỦ CHIÊU “YỂM BÙA” CHO CÂN

Từ lời bàn tán sôi nổi của dân buôn khu vực chợ Thủ Đức, chỉ cần bỏ ra 20 ngàn đồng có thể “độ” một chiếc cân đồng hồ làm giá trị sai lệch lên đến vài chục ký, chúng tôi tìm đến lãnh địa chuyên “độ” cân tại chợ Kim Biên, quận 5. Vào vai một khách đi “độ” cân, chúng tôi mang theo chiếc cân đồng hồ hiệu Nhơn Hòa đến cửa hàng H.N trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 nhờ “yểm bùa”. Nhân viên “độ” cân tên K. nhanh nhảu giới thiệu nhiều chiêu “độ” cân khác nhau.

Có hai kiểu “độ” là theo kiểu truyền thống và “độ” hiện đại. Tôi hỏi: “Anh có thể giải thích rõ hơn được chứ?”. Anh ta trả lời: “Độ cân truyền thống là bóp méo, mài hoặc thay lò xo cân làm số ký của cân thay đổi. Còn độ hiện đại thì chúng tôi sẽ gắn “đồ chơi” (chíp điện tử) vào bên trong chiếc cân, anh chỉ cần đứng từ xa và dùng điều khiển bấm nút”. Để thu hút hơn về các chiêu độ cân, K. không quên tư vấn thêm: “Độ theo kiểu truyền thống bây giờ là xưa rồi, làm theo cách này chỉ ăn được số lượng ít, hiện nay người tiêu dùng cũng cảnh giác nên cách làm này dễ bị phát hiện hơn. Còn làm theo cách hiện đại thì dù có tinh vi đến mấy cũng không thể phát hiện ra được vì chiếc điều khiển để trong tay rất nhỏ, khi nào ngừng cân hoặc có gì trục trặc thì nhấn nút ngừng lại là chiếc cân trở về đúng với giá trị thực của nó”. Tôi hỏi: “Độ theo kiểu hiện đại thì giá bao nhiêu?”. Một phụ nữ khoảng 35 tuổi (là chủ cửa hàng) đang ngồi bàn giấy làm sổ sách xen ngang: “Tùy theo loại cân, cân nhỏ từ 5 đến 30 ký thì giá từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng. Loại từ 60 đến hơn 100 ký thì bèo nhất cũng phải 3 triệu cho tới 5 triệu đồng”. “Sao mắc quá vậy?”, tôi tặc lưỡi nói. Người này mỉa mai: “Làm nhiều thì ăn nhiều, có 5 triệu mà kêu trời, mỗi ngày chỗ tôi có nhiều người qua làm mà họ không thèm nói nửa câu”. Lấy lý do không mang theo nhiều tiền, tôi yêu cầu nhân viên “độ” theo kiểu truyền thống.


lo do can tai sai gon
Lò “độ” cân H.N tại chợ Kim Biên, quận 5

Từ bên trong đi ra, K. lấy ra chiếc lò xo còn mới toanh cùng một chiếc kềm ngồi xuống “phù phép” cho chiếc cân. Khi chiếc cân được “phẫu thuật” xong, K. lấy nhiều quả cân đủ các trọng lượng đưa lên bàn cân, chỉ tay và nói: “Cứ tính theo quy ước thì mỗi lạng ăn được 20 gram, cân với trọng lượng càng nặng thì hệ số sai lệch càng cao. Chẳng hạn anh cân 1 ký thì ăn được 2 lạng, 10 ký thì ăn được 2 ký, cứ thế mà tính”. Trong cách “độ” truyền thống còn có chiêu độc mà dân độ cho rằng với cách làm này thì dân buôn có thể vô tư lự đối mặt với quản lý thị trường đến kiểm tra: “Khi người mua hàng hay quản lý thị trường có biểu hiện nghi vấn chiếc cân của mình là sai và có ý định mượn chiếc cân khác để thử thì chỉ cần lắc chiếc cân nghiêng sang bên trái hoặc phải tùy theo quy ước “độ” là cân lại trở về với đúng giá trị thực của nó, muốn có giá trị sai lệch thì lắc ngược lại. Phải tốn công canh chừng và cảnh giác với khách hàng khó tính và những đợt kiểm tra của cơ quan chức năng”. Cách làm như thế này dân “độ” chuyên nghiệp gọi là “độ lắc” và giá của kiểu “độ” này là 300 ngàn đồng/cân, còn “độ” theo kiểu mài, thay lò xo là 20 ngàn đồng/cân.
Rời cửa hàng này, chúng tôi tiếp tục đến một cửa hàng tên M.K cũng thuộc khu vực chợ Kim Biên và được chủ cửa hàng giới thiệu nhiều chiêu “đại phẫu” cân, trong đó có chiêu phải dùng đến máy móc. Thấy nhân viên đang hì hục bên một chiếc máy điện tử, tôi hỏi với giọng nghi hoặc: “Sửa cân hay sửa đồ điện tử vậy?”. Bà chủ cửa hàng chỉ tay vào đó: “Đâu có, nhân viên của tôi đang “đại phẫu” chiếc cân điện tử cho khách. Làm loại đó rất khó, phải mất nhiều công và máy móc hiện đại mới có thể “hô biến” nó trở nên sai lệch được nên giá cũng khá cao”. Chủ tiệm chỉ tay vào đám cân cũ giới thiệu thêm: “Không có tiền thì mua cân cũ rồi đem lại nhân viên “độ” cho, vừa bán cân vừa “độ” tôi lấy giá mềm hơn”. Những người đến tiệm này mua chủ yếu là người bán hàng rong. Cửa hàng này chuyên bán đồ cũ nên giá cả thích hợp với tiểu thương bình dân hơn.

NHỮNG LÒ CÓ “UY TÍN”

Rời chợ Kim Biên, chúng tôi tiếp tục tìm đến những lò “độ” cân gian trên Quốc lộ 1A gần chợ đầu mối Thủ Đức và ngã tư Bình Phước. Ghé vào lò “độ” A.D, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước một cơ sở dù rất sơ sài, nhưng có đầy đủ các chiêu “độ” cân thượng thặng. Theo lời giới thiệu của thanh niên tên H. thì tại cơ sở của mình có đầy đủ các “mánh” nhằm “hô biến” những chiếc cân nằm bất động nhưng có thể nhảy múa trên thương trường và đem lại lợi nhuận cao cho người sử dụng. Và để thu hút hơn, nam thanh niên còn cho biết: “Cửa hàng của chúng tôi mỗi ngày đều có khách từ chợ đầu mối, tiểu thương khắp nơi đến nhờ sửa cân đúng thành cân sai”. Vừa dứt lời, có khách là chủ một sạp trái cây đến yêu cầu sửa cân gian. Người này được dịp nổ: “Anh thấy đấy, thời nay dân buôn bán mà không đi làm “bùa” cho cân thì sao mà có lời. Mất một số tiền nhỏ nhưng có thể đem lại giá trị lớn hơn rất nhiều lần”.

 

nguoi do can tai SG
Nhân viên K. đang “yểm bùa” cho cân tại chợ Kim Biên

Tôi hỏi: “Ở đây có chiêu gì độc không?”, một nhân viên đang “độ” chiếc cân trên tay ngẩng mặt trả lời: “Sợ bị phát hiện hả, vậy thì đầu tư 6 triệu đồng, vừa “bịp” được người tiêu dùng lại tránh được việc kiểm tra của cơ quan chức năng”. Nói xong, người này đem chiếc cân 100 ký ra và nhanh tay dùng dụng cụ mở chiếc cân bên trong có một chíp nhỏ mà dân “độ” cân gọi nó là “siêu bùa” có thể hô hoán làm cho cân sai lệch từ 10 ký cho đến vài chục ký. Để chứng minh cho lời quảng cáo, hai nhân viên hì hục cùng nâng một khối sắt nặng để ra trước mặt một chiếc cân khác và nói: “Đây là chiếc cân đúng”. Tiếp sau, hai thanh niên cùng đưa khối sắt lên thì kim đồng hồ báo 60 ký. Họ cho khối sắt xuống, đồng thời một người rút từ trong túi ra chiếc điều khiển nhỏ như bao diêm: “Anh để ý nha, em bắt đầu cho chiếc cân “độ” nhảy múa”. Họ tiếp tục đưa khối sắt lên thì lúc này kim của cân chỉ 70 ký.

Vào vai một dân buôn cân gian, chúng tôi tiếp tục câu chuyện: “Tụi em có nhiều mối từ nhiều tỉnh khác nhau, mấy anh xem xét cho em giá hợp lý để anh em cân nhắc hợp tác làm ăn”. H. nói: “Loại cân này không những có nhiều ưu điểm mà còn “ăn” được nhiều hơn. Chúng tôi bán đúng giá không thay đổi, tụi anh có thể nói với khách của mình lên thêm một số tiền nhất định nếu họ đồng ý thì làm. Hàng ngày, có nhiều khách ở trong thành phố, rồi khách ngoại tỉnh từ Tây nguyên, miền Tây... đến đặt hàng, họ đâu có phàn nàn vì biết được ưu điểm của loại cân này”.

PHẢI TỰ BẢO VỆ MÌNH

Nguyễn Đăng Bình, sinh viên Trường Đại học KHXH&NV, vẫn chưa hết ấm ức vì bị chủ bán trái cây tại Làng đại học Thủ Đức “móc túi” giữa ban ngày: “Bữa trước sinh nhật, em ra chợ mua một số trái cây về đãi bạn. Mua xong trở về phòng thì bạn ở chung thốt lên: “Mua ít như vậy thì làm sao đủ”, nhìn xuống những bịch trái cây cũng thấy ngờ ngợ, liền đem ra một quán tạp hóa uy tín gần phòng xin cân thử thì thấy bịch nào cũng bị thiếu từ 2 đến 3 lạng. Bực tức vì chủ tiệm “ăn” trắng trợn vài chục ngàn đồng, em mang trái cây ra nói với chủ quán thì người chủ cho rằng đã mua về nhà rồi ai biết được thế nào còn la làng, chủ sạp liền tay ném tung số trái cây”.

Chị Hoa, công nhân khu vực cầu vượt Linh Xuân, Thủ Đức, bức xúc kể: cách đây hai hôm có mua 1kg thịt tại chợ Linh Xuân và một số trái cây bán dạo. Bằng kinh nghiệm đi chợ lâu năm, chị nghi ngờ thịt bị cân thiếu nhưng nhờ người bán cân lại, vẫn thấy đủ. Không thỏa mãn, chị Hoa đưa túi thịt qua cân đối chứng để cân lại thì đúng là chỉ có 0,8kg. Quay lại chỗ bán thịt để “hỏi cho rõ”, không những chị không được đền bù thỏa đáng mà còn bị nghe chửi rất thô tục. Cũng theo chị Hoa, để tránh được tình trạng cân gian, khi đi chợ nên tìm đến những địa chỉ uy tín và không nên mua hàng quảng cáo bán giá rẻ nhất là hàng bán rong vì chỉ có dùng cân “điêu” mới có giá rẻ hơn.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Theo đó, tiểu thương “cân gian” sẽ bị phạt tiền từ 300 - 500 ngàn đồng, mức phạt có thể lên tới 4 - 7 triệu đồng. Quy định đưa ra như thế, nhưng cho đến nay trên địa bàn TPHCM xuất hiện nhiều lò “độ” cân với nhiều chiêu thức tinh vi, người tiêu dùng vẫn bị móc túi hằng ngày vì những lò “độ” cân và những hành vi buôn gian bán lận của tiểu thương. (báo công an online-
TUẤN ĐOÀN)

Tác giả: Hoa Sen Vàng

Nguồn tin: Theo báo công an Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

quang cao can dien tu
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây